Chương 1 - Trân Châu Lấp Lánh


1.

Ngày sinh nhật 5 tuổi của tôi, bố mẹ nhận 500 tệ của người ta, muốn đưa tôi cho cặp vợ chồng có đứa con trai ngốc nghếch.

May là cậu chạy cả đêm đuổi đến nơi, bảo vệ tôi sau lưng ông.

“Nhà anh có hai thằng con trai, đưa con bé ba cho anh làm con gái đi.”

Lúc đó tôi còn chưa có tên chính thức. Giống như những đứa con gái thứ ba của những gia đình khác trong làng, tôi được gọi là Bé ba.

Sau này mợ nói với tôi vô số lần: “Nếu không có cậu thì mày đã phải lấy thằng ngốc nhà kia rồi! Lớn lên phải hiếu thảo với cậu, biết chưa?”

Cậu nhờ ông cụ trong làng đặt tên cho tôi: Tống Lưu Châu.

Cậu hy vọng tôi có thể trở thành viên ngọc trai rực rỡ lấp lánh, nhưng trên thực tế tôi chỉ là viên đá cuội bình thường.

Cậu rất tốt, nhưng cậu lại rất bận.

Mỗi ngày cậu phải lái chiếc máy kéo tuốt lúa đi đến các thôn khác nhau để tuốt lúa. Năm sáu giờ sáng là cậu đã đi, có khi nửa đêm, 8-9 giờ tối mới về tới nhà.

Mợ rất dữ, mặt mày luôn có vẻ hà khắc.

Anh cả lúc đó mới 13 tuổi, đang thời kỳ nổi loạn, cơ bản là không chú ý đến tôi.

Anh hai lớn hơn tôi 2 tuổi, kéo tóc tôi, túm quần áo tôi, còn nhét chuột c.h.ế.t trong mền của tôi…

Ngày nào tôi cũng ngóng trời mưa, như vậy cậu sẽ không đi làm.

Có cậu, tôi mới cảm giác đó là nhà.

Không lâu sau, cậu gửi tôi đi học.

Mặt mợ dài thượt ra: “Ông đem về cho ăn thì thôi, còn tốn tiền cho nó đi học, tiền ông nhiều đến mức không có chỗ để tiêu à?”

Cậu cười lấy lòng: “Trưởng thôn nói con nít phải đi học, nếu không là phạm pháp.”

Mợ vẫn hùng hùng hổ hổ.

Tôi đứng vặn tay không nói một lời, chỉ ước gì mình bị điếc.

Cậu ăn nói khép nép: “Được rồi, đừng nói chuyện này trước mặt Lưu Châu.”

Mơ hung hăng liếc xéo tôi một cái, đi vào bếp. Chẳng mấy chốc bên trong vang lên tiếng loảng xoảng ầm ĩ.

Cậu kéo tôi lại gần, thì thầm nhẹ nhàng: “Mợ thô lỗ nhưng không xấu tính. Sau này Lưu Châu ngoan ngoãn, giúp mợ nhiều hơn nha con. Bà ấy sẽ thích con.”

Sau giờ học, anh hai đi chơi bi, bắn bìa với đám bạn. Tôi thì lo chạy về nhà cắt cỏ heo.

Rau cần nước bây giờ bán 10 tệ một cân, thời đó mọc hoang đầy bên bờ ruộng, heo ăn đến ngán. Cắt cỏ heo xong, tôi giúp nhặt rau, nấu cơm, chờ mợ về xào là có thể ăn cơm.

Đến cuối tuần, tôi còn phải giặt quần áo cho cả nhà. Xô đựng quần áo cao gần nửa người tôi.

Thời đó, công việc đồng áng là vô tận. Trồng khoai, trồng lạc, cấy mạ, nhổ cỏ, phun thuốc,…

Cậu cả ngày ở bên ngoài, những việc đó đều do mợ gánh vác.

Bà đi làm đồng về mệt gần c.h.ế.t, anh cả nổi loạn hay cãi, anh hai nghịch ngợm chỉ thiếu nước leo nóc nhà lật ngói.

Giờ nghĩ lại, tính khí bà thất thường cũng là chuyện đương nhiên.

Trẻ con thường buồn ngủ, nhiều đêm cậu về thì tôi đã ngủ.

Sáng thức dậy, tôi sẽ sờ dưới gối mình. Kẹo que, ô mai… đây là sự cưng chiều mà cậu dành riêng cho tôi.

Hôm nay tôi sờ xuống, trống không.

Đúng lúc thất vọng thì mợ mở cửa đi vào, sắc mặt nặng nề giơ cây kẹo que lên hỏi: “Tiền đâu ra mà mua? Có phải ăn trộm không?”

2.

Tôi mím môi không nói một lời. Bà tức điên.

“Nhỏ trộm vặt, lớn trộm vàng. Tao phải đánh mày một trận thật nặng để mày nhớ đời.”

Bà cầm cây chổi tre trong góc quất vào người tôi.

Lúc này anh cả ăn sáng xong chuẩn bị đi học, anh đứng ở cửa, giọng trong thời kỳ vỡ giọng mất kiên nhẫn: “Em câm à? Đó là của ba cho mà sao không nói?”

Tối đó, tôi nghe mợ khóc thút thít.

“Tôi theo ông bao nhiêu năm cũng không thấy ông mua cho tôi cây kẹo… Giờ hay rồi, ông mua cho con bé.”

Cậu nhẹ nhàng giải thích: “Tiền tôi kiếm được không phải đưa bà giữ hết sao, bà muốn mua gì tôi cũng đâu có nói…”

“Chuyện đó giống nhau sao?”

“Được rồi, nói nhỏ thôi, đừng để bọn nhỏ nghe thấy chê cười.”

Tiếng động phòng bên nhỏ dần, cậu khẽ khàng đẩy cửa phòng tôi.

Tôi nghẹn ngào: “Cậu, sau này cậu đừng mua đồ cho con nữa.”

Cậu dém mùng lại cho tôi: “Người lớn cãi nhau không liên quan tới con, ngủ đi.”

Sau này cậu mua đồ ăn vặt là mua hai phần.

Tôi một phần, mợ một phần.

Anh hai ì èo: “Con cũng muốn.”

Cậu tát cho anh một cái: “Con là con trai mà ăn vặt cái gì?”

Mợ mỉa mai: “Tôi còn nhờ phúc cháu gái, nếu không cũng không được đãi ngộ này.”

Nhưng lúc mợ ngậm kẹo nói với mấy bà thím trong thôn thì mặt thay đổi hẳn. Mợ vui vẻ ra mặt: “Tân Thành nhà tôi đối xử với tôi như cô bé vậy, ngày nào cũng mua kẹo cho tôi. Mấy chị nói xem có phải ông ấy phí tiền không chứ.”

Hơn một năm sau, mẹ sinh được đứa con trai như ý nguyện.

Cậu mợ dẫn tôi về ăn đầy tháng.

Nhà mẹ ruột tôi gần như đã bị văn phòng kế hoạch hóa gia đình dọn sạch, ghế phải mượn từ hàng xóm. Thế nhưng mẹ rất vui mừng: “Cuối cùng tôi cũng sinh được đứa con trai, xem ai còn dám nói sau lưng tôi.”

Em trai tôi được đặt tên là Trương Vĩ.

Nó vàng vàng đen đen, mặt còn có nhiều lông tơ, nhìn như con khỉ con. Tôi không hiểu, thế này sao lại được khen đáng yêu.

Gần như theo bản năng, tôi gọi mẹ.

Nụ cười mẹ lập tức cứng đờ: “Đừng gọi bậy, bây giờ cậu mợ mới là bố mẹ mày, hiểu không?”

Mợ cười nhạt: “Nó không phải từ bụng tôi bò ra, đừng gọi tôi là mẹ.”

Vậy rốt cuộc ai mới là bố mẹ tôi?

Cuối cùng cậu vỗ nhẹ lưng tôi nói: “Đi tìm mấy chị con chơi đi.”

Khách được đãi trứng ngâm rượu ngọt. Bát của họ có hai quả trứng gà. Trong bát của tôi chỉ có nước đường.

Giống như vô số lần từ nhỏ đến lớn, mẹ luôn nói: “Nhà không có đủ trứng, chưa kể con nít ăn nhiều trứng không tốt. Lửa trong bếp sắp tắt rồi, xuống phụ nhóm lửa đi.”

3.

Lúc đó tôi cảm thấy có điểm không đúng nhưng lại không thể chỉ ra được. Tôi còn nhỏ, không biết cách chống lại quyền uy của cha mẹ.

Sau đó mợ đến nhà bếp, xách cổ tôi đang bị lửa hun đến mồ hôi đầy đầu ra ngoài.

Bà túm tai tôi: “Mua quần áo mới cho mày để mày chạy xuống đây chơi lửa hả? Đến làm khách còn không ngoan ngoãn!”

Giọng bà rất to, mẹ ruột nhanh chóng bị thu hút. Sắc mặt mẹ xấu hổ: “Là em bảo con bé ba nhóm lửa.”

Mợ thả tôi ra, lạnh nhạt: “Ồ, vậy sao, nó là con của em, sau này để lại nhóm lửa cho em.”

Mẹ tái mặt, nhanh chóng nói: “Em chỉ bảo nó phụ chút thôi, đã giao cho anh chị thì đâu có lý nào đem về.”

Hai người kẻ đẩy qua người đưa lại, biến tôi thành một món đồ để thoái thác.

Cuối cùng bố ruột tôi đến.

Mặt ông dài ra: “Nếu chị dâu không nhận thì tôi đưa nó đến nhà Trương mặt rỗ. Đưa tới đó còn có thể thu được 500 đồng, đúng lúc có tiền mua sữa bột cho Tiểu Vĩ.”

Trên đường về, mợ nói với tôi: “Đúng là máu mủ ruột rà, không cho trứng ăn vẫn sẵn lòng làm việc cho người ta. Mày có ngoan hơn cũng bị người ta vứt đi như vứt rác. Nhà có ba đứa con gái, chỉ không cần mình mày, chậc chậc…”

Tôi ngồi ở đòn trước xe đạp, gió mùa hè nóng bức đâm vào mắt tôi nhức nhối.

Kể từ ngày đó, tôi có cậu mợ, có cô dượng.

Nhưng cô đơn, không còn bố mẹ.

Bình thường mợ cũng ổn, nhưng mỗi khi đến khai giảng thì tính khí của bà sẽ cực kỳ nóng nảy.

Thời đó đã phổ cập giáo dục nhưng đi học vẫn phải đóng tiền. Ba đứa trẻ cùng đi học đối với cha mẹ ở nông thôn mà nói thì áp lực rất lớn.

Cậu luôn mất một khoảng thời gian để thuyết phục mợ cho tôi tiếp tục đi học.

Mỗi kỳ nghỉ hè, cha mẹ ruột lại bảo tôi về nhà ở một thời gian.

Tôi muốn từ chối, cậu sẽ nói: “Dù sao họ cũng là bố mẹ con, cũng nhớ con nên mới kêu con về.”

Nhà bố mẹ ruột chỉ có một cái quạt trần 3 cánh, mùa hè nóng vô cùng.

Cả gia đình trải chiếu ra sàn để ngủ. Tôi nằm góc ngoài cùng, không nhận được chút gió nào, chỉ ngửi thấy mùi hôi nồng nặc khắp nhà.

Không phải họ nhớ tôi mà vì mùa hè công việc đồng áng nhiều, bắt tôi về giúp. Đối với bên ngoài lại làm trò nói: “Bé ba là khách, không thể để nó ra đồng làm việc.”

Đúng thật là không cần ra ruộng thu lúa. Tôi phải ở nhà giặt quần áo, nấu cơm, cho heo ăn, phơi kê.

Sau vụ gặt, họ lại vội đuổi tôi về: “Không thể ở lại lâu, nếu không bố mẹ mày lại thất vọng, buồn lòng.”

Mỗi lần đi về, mợ sẽ cạnh khóe, xỏ xiên tôi ít nhất nửa tháng.

Ngày tháng trôi thật nhanh, kỳ nghỉ hè năm lớp 4, anh cả tôi tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật, đi làm ở nhà máy. Lúa ngoài đồng đã ngả màu vàng óng, những bông lúa nặng trĩu cúi đầu.

Sáng sớm mẹ ruột tôi đạp xe tới.

“Bé ba nghỉ hè, tôi đón con bé về bên kia chơi mấy ngày.”

4.

Mợ xụ không mặt nói tiếng nào, cậu cười cười: “Vậy Lưu Châu đi thu dọn quần áo đi con.”

Mẹ cười ha hả: “Không mang theo cũng không sao, hai chị nó có quần áo.”

Nhân lúc cậu mợ không có ở đó, mẹ ruột nắm tay tôi nói nhỏ: “Mày ở lại với cậu thì phải xuống ruộng đúng không? Về với tao thì không cần phơi nắng, tốt quá còn gì.”

Mợ bưng trà lạnh từ bếp ra, nhìn thấy cảnh này.

Tôi hất tay mẹ ra, nói to: “Con không muốn đi. Anh cả đi làm, trong nhà không đủ người, năm nay con muốn ở lại giúp đỡ.”

“Cái con này sao không biết tốt xấu gì vậy.” Mẹ giơ tay giữ tôi lại, “Tao còn làm hại mày sao!”

Mợ bước nhanh tới, giằng tôi lại: “Lưu Châu không muốn đi thì đừng ép. Nghỉ đông thì về chơi.”

Kỳ nghỉ hè năm nay tôi cùng mợ đi gặt lúa.

Người trong thôn trêu: “Chà, lần đầu tiên thấy Lưu Châu ra đồng đấy!”

Mợ lớn tiếng nói: “Nuôi nó mấy năm, giúp tôi một chút không phải sao!”

Từ đó về sau, nghỉ hè tôi không còn về nhà bố mẹ đẻ nữa.

Mặc dù mợ không vui vẻ gì với tôi nhưng mỗi năm đến Tết mợ luôn mua cho tôi một bộ quần áo mới.

Không giống như cha mẹ ruột kia, 5 năm đó, tôi luôn phải mặc đồ của 2 chị dư lại. Quần lót rách vài lỗ vẫn không được đổi cái mới.

Ai tốt ai xấu, tôi phân biệt được.

Năm tôi tốt nghiệp tiểu học, anh hai được nhận vào trường trung học số 1.

Anh cả gửi 2000 tệ về, nói cho anh hai đóng học phí.

(Chú thích: 2000 tệ tầm 7 triệu VNĐ)

Anh cả làm việc trong nhà máy cũng vất vả, lương không cao. 2000 tệ không phải con số nhỏ.

Năm đó anh tròn 20, mợ bắt đầu sốt ruột cưới vợ cho anh.

Anh cả luôn nói không cần gấp.

Đêm khuya tĩnh lặng, mợ khóc lóc kể lể với cậu: “Nhà không có của cải gì, lại còn 2 đứa đi học, con gái nào mà thích nổi? Nó không độc thân cả đời chứ.”

Cậu trấn an bà: “Nó còn trẻ mà, không phải tôi 23 mới cưới bà sao.”

“Trẻ cái gì mà trẻ, bạn học nó giờ đã 2 con rồi.”

Anh hai lên cấp 3 thì ở ký túc xá. Anh lớn lên thì tính tình trầm tĩnh hơn.

Thời điểm đó phong cách Hippie thịnh hành. Mỗi lần tan trường sẽ có một đám nam nữ tóc nhuộm vàng, đeo khuyên tai, vành mắt tô vẽ đen như mực.

Tôi thường đi vòng tránh ra xa.

Nhưng vào ngày cuối trước lễ Quốc khánh, tôi ở lại dọp dẹp nên về muộn.

Một cô gái cầm đầu chặn tôi lại. Cô ta nhai kẹo cao su, túm tóc tôi hỏi: “Có tiền không?”

Tôi lắc đầu.

“Vậy cắt tóc nó đi thì cũng có thể đổi được tiền.”

Cô ta kéo tôi về phía tiệm cắt tóc, đúng lúc đó, một giọng vang rền hét lên: “Mấy người làm gì đó?”