Chương 2 - Trân Châu Lấp Lánh


5.

Anh hai cưỡi xe đạp nhanh như chớp phóng tới, dùng chân làm phanh thắng kít lại trước mặt tôi.

Bụi bốc lên mù mịt.

Anh hung dữ: “Còn không thả em tao ra?”

Trên đường về anh dạy tôi: “Em chống cự, la hét, đấm đá, đừng để chúng bắt nạt…” Dạy nửa chừng, anh lại thở dài: “Mà thôi, đừng phản kháng, tóc còn dài ra được, người quan trọng hơn.”

Ngày hôm sau anh dẫn tôi đi gặp người bạn cùng lớp thời cấp 2 của anh. Một người mập mạp, tóc vàng, người đầy hình xăm thường xuyên hoạt động trước cổng trường tôi.

Sau ngày đó, dù tôi có đi ngang qua mặt họ thì không ai cản tôi.

Đến lớp 9, mấy bà mấy cô lại bắt đầu bàn tán về tôi:

“Lưu Châu sắp tốt nghiệp cấp 2 rồi.”

“Cậu mợ cháu mấy năm nay nuôi cháu cũng không dễ gì, tới chừng đó phải biết hiếu thuận với họ, biết không?”

Họ sẽ nói với mợ:

“Lưu Châu xinh đẹp, ngoan ngoãn, sang năm có thể ra ngoài kiếm tiền, đến lúc đó thì có tiền cho thằng cả nhà bà làm sính lễ.”

Mợ nói to: ‘Mấy năm nay tôi không bạc đãi nó, hiếu thảo với chúng tôi cũng là phải mà!”

Lúc tôi học tiểu học, cậu làm nghề kéo xe tuốt khá tốt. Nhưng bây giờ trong thôn đã có máy tuốt chạy bằng điện, dân làng sẽ dùng xe ba bánh kéo lúa đi tuốt. Lúc nào đến cũng được, vừa tiện vừa rẻ.

Cái xe kéo của cậu cũng cũ rồi, cứ vài ngày lại hỏng, công việc không được như mọi năm.

Anh hai đang học 12, anh học giỏi, có hy vọng đậu đại học.

Cậu một mặt thì rất vui nhưng mặt khác, vì chuyện học phí mà cậu cũng rầu rĩ.

Tôi nghĩ.

Có lẽ tôi cũng giống hai chị gái ở nhà mẹ ruột, có lẽ sau khi tốt nghiệp cấp 2 thì vào làm công nhân trong nhà máy. Một hai năm sau thì tìm một người đàn ông có sính lễ cao một chút, lấy chồng sinh con.

Vì ý nghĩ này, kỳ thi giữa kỳ điểm số tôi tuột dốc.

Cậu nhận phiếu điểm, đập bàn: “Con học hành thế này, tụt hơn 20 bậc! Con học như vầy thì làm sao đủ điều kiện thi Nhất trung?”

Khi đó ở nông thôn kỳ thi tuyển sinh cấp 3 vào trường trung học số 1 không phải cứ muốn là được tham gia. Căn cứ số lượng tuyển sinh trong năm trước mà trường sẽ phân bổ số lượng. Trường chúng tôi thường được khoảng 30 học sinh.

“Dù gì tốt nghiệp cấp 2 cũng phải đi làm…”

Cậu trừng mắt: “Con nghe đám bà tám đó nói bậy, chỉ cần con đậu Nhất trung thì cậu đập nồi bán sắt cũng cho con đi học!’

Tôi liếc sang mợ.

6.

Mợ lại nói mát: “Nhìn mợ làm gì, nhà chúng ta cậu làm chủ.”

Đây là ngầm đồng ý.

Mắt tôi đỏ lên, nghẹn ngào: “Con sẽ học hành chăm chỉ.”

Sau ngày đó, tôi học điên cuồng. Điểm số cũng nhanh chóng tăng trở lại.

Công việc trong nhà mợ không cho tôi làm.

Bà không giận: “Bị cậu biết mợ sai mày làm việc thì lại mắng. Mợ không phải nuôi cháu mà nuôi công chúa!”

Anh hai thi đại học có kết quả khá tốt, đậu một trường 985 cấp tỉnh.

Mợ dương dương đắc ý, cười đến mỏi hàm.

Tôi cũng thuận lợi nhận được tư cách thi tuyển sinh. Thi Nhất trung phải đến huyện, thầy dẫn cả đội ở khách sạn. Ăn ở đều cần đến tiền.

Chúng tôi chọn một khách sạn chắc đã lâu không có khách, chăn toàn mùi ẩm mốc. Ban đêm trần nhà chuột bò, sột soạt cả đêm, tôi không thể nào ngủ được.

Thi xong về làng, mặt tôi tái nhợt.

Mợ tặc lưỡi: “Xem mặt mũi thế này chắc không có cơ hội rồi.”

Mấy người bạn học rủ tôi đi Quảng Châu làm việc, có thím nhiệt tình còn mai mối cho tôi.

Cậu bảo đợi đến khi có kết quả rồi tính.

Rất nhanh đã đến sinh nhật lần thứ 16 của tôi. Mẹ tôi đến thăm.

Bà còn mua một chiếc bánh kem nhỏ ở thị trấn. Tôi còn tưởng bà thấy áy náy, muốn bù đắp cho tôi.

Không ngờ cơm no rượu say, bà nói ra ý đồ đến đây: “Bé ba tốt nghiệp cấp 2 rồi, cũng tròn 16, tôi đã chọn cho nó một người tốt. Người kia năm nay 25 tuổi, trước đây bị tai nạn giao thông nên đi khập khiễng, nhưng mà sính lễ họ đưa tới 150.000.”

(Chú thích: 150.000 tệ = hơn 500 triệu VNĐ)

Năm 2007, 150.000 là số tiền lớn ở nông thôn.

Mặt mày mẹ hớn hở: “Tiền này chúng ta chia mỗi người một nửa. Học phí đại học với chi phí sinh hoạt của Lưu Quang không phải vẫn chưa có sao? Dù gì con bé ba cũng không đậu Nhất trung, đi làm công nhân cũng không biết mấy năm mới kiếm được số tiền này!”

Bà ta nói thẳng mặt tôi. Giống như nhiều năm trước, xem tôi như một món đồ có thể kiếm lợi.

Tôi giận đỏ mặt.

Mẹ còn đang vui vẻ: “Con bé ba, tuy người đàn ông đó hơi què nhưng điều kiện tốt, vụ tai nạn kia người đó cầm mấy trăm ngàn tiền bồi thường… Mày gả qua đó là ngày lành, tao đẻ mày ra nên vẫn phải tính toán cho mày!”

Tôi nghiến răng: “Con sẽ thi đậu.”

Mẹ cười nhạo: “Thôi đi, lúc nhỏ mày ngu tới vậy, từ 1 tới 20 cũng không biết đếm, đậu được Nhất trung mới lạ. Mày từ bụng tao bò ra, tao không biết mày được mấy cân mấy lượng chắc.”

Tôi ngu thật.

Tôi còn tưởng khi đưa tôi đi, bà sẽ cắn rứt lương tâm.

Nước mắt lăn xuống, tôi hét to: “Không đậu Nhất trung thì tôi đi làm, tôi không lấy chồng. 5 tuổi bà đã không cần tôi, tôi kiếm tiền cũng đưa mợ chứ không đưa bà!”

Đúng lúc cảm xúc vỡ òa thì điện thoại bàn trong nhà reo lên.

Giáo viên chủ nhiệm gọi đến: “Tống Lưu Châu, có kết quả tuyển sinh rồi.”

7.

Ông dừng lại.

Tim tôi treo lên cao.

Sau đó nghe ông nói: “Em đậu rồi, trường chúng ta thi đậu 10 em, em đứng thứ nhì.”

Mồ hôi nóng hổi trên trán chảy xuống, tôi giơ tay lau mới phát hiện mình đang khóc.

Cậu giành lấy điện thoại, hỏi lại lần nữa.

Sau khi biết điểm, cậu gật đầu liên tục: “Tốt quá, thật là tốt quá. Cảm ơn thầy, cảm ơn thầy đã dìu dắt, cảm ơn, cảm ơn ạ!”

Không biết mợ cũng đến gần từ lúc nào, bà áp tai vào sau ống nghe. Nghe xong thì mợ nhìn tôi.

“Thi về mặt mũi trắng bệch, còn tưởng không xong rồi.”

Mẹ ngẩn ngơ.

Bà lẩm bẩm: “Đếm 1 tới 20 còn không được mà đậu Nhất trung?”

Bà ta đảo mắt: “Một đứa học cấp 3 một đứa sinh viên, làm sao mấy người nuôi nổi? Cứ để nó lấy chồng là tốt rồi.”

Anh hai ngủ ở phòng bên cạnh, xưa giờ anh không thích nhà mẹ ruột của tôi. Lúc này anh kéo cửa ra: “Bây giờ nó là em gái tôi, lấy chồng hay đi học thì liên quan gì đến cô? Học phí của tôi thì tôi có thể đi vay, sinh hoạt phí tự mình kiếm, không cần con bé hy sinh. Cô có biết thi Nhất trung khó thế nào không, Lưu Châu khổ sở không ít mới thi đậu, cô nói không học thì không học à?”

Cậu làm bộ làm tịch răn dạy: “Lưu Quang, sao lại nói chuyện với cô như vậy, không lễ phép.”

Giữa thân thích thời đó là vậy. Dù thường xuyên có những bất đồng nhưng bên ngoài hiếm khi trở mặt thẳng thừng với nhau.

Sắc mặt mẹ lúc đỏ lúc trắng.

Tôi hít sâu một hơi, chậm rãi: “Cô, cho dù tôi có phải lấy chồng nhận sính lễ thì số tiền đó cũng là cho cậu mợ. Cô đã bán tôi đi, không thể lại bán thêm lần nữa chứ?”

Mẹ bị chọc tức bỏ đi. Vừa đi vừa mắng tôi là đồ vô ơn. Còn nói cậu mợ tiêu tiền cho con gái đi học là đầu óc bị hỏng rồi.

Tối đó mợ giết con gà mái đẻ trứng, gắp cho tôi cái đùi gà to.

“Ăn đi, nhớ sau này tiền sính lễ phải đưa mợ!”

Mấy bà trong xóm lại khuyên cậu mợ.

“Con trai học đại học tốn nhiều tiền vậy rồi, còn phí công phí sức nuôi con gái nhà người ta, đừng để tới lúc đó giỏ tre múc nước.”

“Con gái ruột còn chưa chắc cho đi học, một đứa cháu gái mà bận tâm nhiều đến vậy.”

Thư thông báo trúng tuyển có đính kèm các khoản phí. Khi khai giảng phải nộp học phí, phí ăn ở, chi phí phụ, tổng cộng là 1800. (1800 = 6.2 triệu VNĐ)

Mặt mợ đen như đáy nồi: “Mợ lấy đâu ra số tiền này? Sau này mày đi làm phải nộp hết tiền lương lên, biết chưa?”

Học phí của anh hai có thể đi vay, nhưng vẫn phải chuẩn bị sinh hoạt phí.

Khi nghèo, một đồng cũng có thể làm khó c.h.ế.t anh hùng hảo hán.

Cậu vay mượn khắp nơi, có người nói: “Tìm thằng cả của ông nhờ nó một ít.”

Cậu cười gượng: “Cho con đi học là trách nhiệm của cha mẹ chứ không phải của người làm anh như nó. Chúng tôi không có tiền giúp nó cưới vợ xây nhà đã là có lỗi với nó.”

Anh hai đi làm gia sư trong huyện, tiện thể làm công trong một tiệm net. Tối thì anh ngủ ở sô pha tiệm net, có thể tiết kiệm tiền thuê nhà.

Tôi cũng muốn làm gì đó.

Đúng lúc hôm nay trong thôn có người đến mua tóc. Tóc tôi vừa dày vừa đen, để 5 năm đã dài quá eo. Cò kè mặc cả, tôi bán với giá 80 đồng.

Tôi cầm tiền chạy về nhà, mồ hôi đầm đìa, đúng lúc gặp mợ từ ruộng về.

Tôi đưa tiền cho mợ: “Mợ, con bán tóc được 80 đồng.”

8.

Mợ lau tay, sờ ót tôi: “Đứa nào đáng chém ngàn d-a-o, cắt tóc mày ngắn như vầy?”

“Không sao mà mợ, nó sẽ mọc dài ra lại thôi. Hơn nữa không phải mợ hay nói tóc con dài quá rụng khắp nhà sao.”

“Mợ dẫn mày ra tiệm sửa lại, xấu quá.”

“Không cần, mợ lấy kéo sửa lại cho con là được, đừng phí 5 đồng.”

Chạng vạng đó, ráng đỏ đầy trời.

Mợ mượn một cây kéo mới sửa tóc cho tôi.

Vừa sửa vừa mắng.

Đầu tiên là mắng người mua tóc không phải thứ tốt lành, rồi lại mắng tôi ngu ngốc để cho người ta cắt bậy bạ.

Mắng rồi giọng mợ trầm xuống.

“Sau này mày vẫn phải để tóc dài đi, con gái tóc dài mới đẹp. Trong nhà không thiếu tám chục một trăm này của mày.”

Anh hai về nhìn thấy bím tóc của tôi biến mất, giận muốn điên.

“Em cắt luôn thành đầu đinh đi. Kiểu tóc này của em nhìn từ sau không biết là trai hay gái.”

Mẹ ruột sau khi biết cũng mắng tôi ngu: “Tóc mày dài với nhiều như vậy, ít nhất cũng bán được 150.”

Ba năm trung học tôi vẫn không để tóc dài. Tóc ngắn dễ chăm, không cần tốn thời gian, công sức.

Sau đó anh cả gửi về 1000, giải quyết mối nguy lửa sém lông mày.

Vào cấp 3 tôi mới biết, người với người khác nhau.

Bạn bè trong kỳ nghỉ hè đã đi học thêm, học trước nội dung. Họ dễ dàng theo kịp tiến độ của giáo viên, còn tôi thì như con bò già, hậm hự đuổi theo sau.

Giáo viên quan tâm đến những học sinh xuất sắc, không bận tâm đến việc những học sinh dở như chúng tôi hiểu bài hay không.

Một tháng sau, lòng tự tin của tôi gần như sụp đổ.

Lễ, anh hai về nhà.

Tôi tận dụng cơ hội hỏi bài anh, hỏi hỏi rồi cảm thấy chán nản.

Học không được, không thể học được.

Anh hai buông bút trong tay: “Lưu Châu, lúc anh mới lên cấp 3 cũng giống em, cảm thấy mình rất ngu, cảm thấy khoảng cách chênh lệch quá lớn. Cái gì anh cũng muốn học thật tốt, muốn chứng minh bản thân. Sau rồi anh mới biết, học cũng nên có trọng tâm và buông bỏ.”

Anh nói với tôi, đến lớp 11 sẽ chia ban.

Học khoa học tự nhiên thì những môn cơ bản của xã hội sẽ không cần tiếp xúc nhiều, chỉ cần đạt tiêu chuẩn trong kỳ thi chung là được. Vì vậy bây giờ tôi có thể lựa chọn, đi trước một bước, đặt nền móng vững vàng trước.

“Chọn ngành khoa học tự nhiên tương đối dễ tìm việc, khoa học xã hội lại mang tính ghi nhớ nhiều, hợp với con gái, em tự chọn lựa.”

Đêm đó, trời đầy sao.

Anh hai nói về chuyện quá khứ nhẹ tênh. Nhưng lúc trước khi một mình anh leo qua những ngọn núi cao đó, ắt hẳn vô cùng gian nan.

Bây giờ anh cầm ngọn đèn sáng, quay lại dẫn đường cho tôi, hy vọng tôi có thể tránh được đường vòng.

Tôi quyết định tha thứ cho chuyện hồi nhỏ anh nhét chuột c.h.ế.t vô mền tôi.

Tôi muốn chọn nghề tốt, tôi muốn kiếm thật nhiều tiền.

Vì vậy tôi chọn khoa học tự nhiên, bỏ lịch sử, chính trị và địa lý.

Vì có ít môn cần học hơn nên tôi tập trung hơn, áp lực nhẹ hơn rất nhiều, cũng có thể cảm nhận sự tiến bộ của bản thân.

Nhưng bảng xếp hạng kiểm tra giữa kỳ tôi đứng thứ 40 trong lớp.

Sau khi mẹ ruột biết điểm số của tôi, bà tặc lưỡi: “Tôi nói rồi mà, nó đâu phải người có thiên phú học hành, điểm này chắc chỉ thi được vào trường hạng 3.”