Chương 5 - Trân Châu Lấp Lánh


17.

Bạn gái cũ anh cả ôm một đứa bé tầm một tuổi.

Dưới trời đổ tuyết nhẹ, hai người đứng trước cửa cửa hàng quần áo nói vài câu.

“Anh đã kết hôn chưa?”

“Sắp, mấy hôm nữa bạn gái tôi đến nhà.”

“Còn đi làm trong nhà máy không?”

“Không, giờ tôi làm tự do, ở nhà kiếm tiền.”

Bạn gái cũ im lặng một lúc, “Vậy anh có trả nổi sính lễ không?”

Anh cả cười: “Bạn gái tôi nói nhà cô ấy không quan trọng việc này.”

Nụ cười bạn gái cũ thật nhạt: “Vậy tốt rồi, chúc anh hạnh phúc.”

Trời quá lạnh, đứa bé trong tay cô ấy bắt đầu quấy khóc.

Cô dỗ con, anh cả chào tạm biệt.

Khi đi ngang qua nhau, cô ấy nói: “Lưu Tài, xin lỗi.”

Bước vào trong, hơi nóng từ điều hòa phả vào mặt. Anh cả có vẻ không vui.

Tôi hơi mất hứng: “Sao anh không nói với cô ta anh kiếm được tiền, vả mặt cô ta…”

“Lúc trước do anh không biết phấn đấu, cũng không thể đổ lỗi hết cho cô ấy. Nói cho cùng thì là không có duyên phận. Cô ấy với anh yêu nhau hai năm, anh không cho cô ấy được điều gì tốt. Thật ra cũng thiệt thòi cho cô ấy. Em thấy quần áo cô ấy bây giờ thì chắc sống cũng không tốt lắm. Không cần đả kích cô ấy thêm nữa.”

Tôi nghĩ. Có lẽ vì anh cả có thể đồng cảm, thấu hiểu người khác nên anh mới viết tiểu thuyết hay vậy.

Đường tình duyên anh cả khá gập ghềnh.

Chị dâu cả là con gái một, lại còn là sinh viên đại học. Ngay từ đầu, gia đình chị đã không chấp nhận.

Sau này, anh cả mua nhà trong tỉnh, rồi mua xe.

Tình cờ anh họ của chị dâu cả lại là biên tập viên trang web, biết tên tuổi anh cả.

Tình hình trong nhà cũng khác mấy năm trước. Cậu có tay nghề, trong nhà không nợ nần bên ngoài. Anh hai học cao học, tôi cũng là sinh viên tử tế. Tương lai không trở thành gánh nặng cho anh cả, lại còn có thể hỗ trợ lẫn nhau.

Sau bao nhiêu vất vả, rốt cuộc anh cả đã “tu thành chính quả” ở tuổi 30.

Ở trong thôn, những người không học đại học thì đều đã kết hôn. Rất nhiều bạn học của anh cả đã có con học lớp 4.

Ngày cưới, lúc dâng trà cho mẹ chồng, mợ nắm tay chị dâu cả, khóc như người làm từ nước mắt: “Lưu Tài từ nhỏ đã ngoan ngoãn, biết kính trên nhường dưới, ít nói, sau này giao cho con. Hai con sống thật tốt là được. Các con không cần lo cho ba mẹ.”

Thời kỳ nổi loạn, mợ nói một câu, anh cả cãi một câu. Nếu không thì là nói với anh cái gì, anh đều xem như không nghe thấy.

Chắc mợ đã quên, mợ đã từng hận không thể băm anh cả ra.

Anh hai học năm 3, ký hợp đồng với một doanh nghiệp nhà nước ở Thượng Hải. Mức lương hàng năm không tồi, hơn nữa sau thời gian làm việc thì còn có thể hỗ trợ an cư.

Mợ tức c.h.ế.t.

“Xa nhà như vậy, sau này còn trông cậy vô nó sao? Nuôi thằng con trai này phí công, từ nhỏ đã nghịch ngợm, y như con mèo mướp suốt ngày không về nhà. Đúng là giờ đi tới trời.”

Anh hai cầm di động lên: “Hay là con gọi nói bên kia không đi?”

18.

Mợ giật di động của anh lại: “Mày lên cơn gì nữa, đơn vị tốt như vậy, bao nhiêu người húc vỡ đầu không vào được.”

Tôi muốn tốt nghiệp rồi đi làm sớm để báo đáp gia đình. Nhưng anh cả anh hai động viên tôi thi lên cao học.

“Ngày nay bằng cử nhân không được xem là cao, nếu sau khi tốt nghiệp mà em thi lên thạc sĩ thì không dễ dàng. Ba mẹ có tụi anh lo, cần gì đứa con gái như em bận lòng.”

Mợ hừ hừ: “Mày đi thi đi đã, nhưng có chắc thi đậu đâu.”

Tôi hỏi: “Nếu lỡ đậu thì sao ạ?”

“Đậu thì học. Học cao học không tốn học phí, sức khỏe mợ với cậu mày còn tốt, tự chăm sóc mình được.”

Mẹ ruột lại ôi dào mấy ngày liền: “Còn muốn học cao học? Học nữa là tới 26 tuổi phải không? Đến lúc đó là gái lỡ thì, còn gả đi được sao? Tôi thấy cứ ra ngoài tìm việc, kiếm tiền mới là điều khôn ngoan.”

Tôi liếc trắng mắt: “Tôi có học hay không, lấy chồng hay không, liên quan gì đến cô!”

Giáo viên hướng dẫn là do anh hai hỏi han khắp nơi, chọn lựa giúp tôi. Tôi đã liên lạc với cô ấy. Cuối cùng cũng được như ý nguyện, trở thành học sinh của cô ấy.

Cũng nhờ vậy mà quen biết với Lương Trình, đàn anh, sau là bạn trai tôi.

Sau khi tốt nghiệp cao học, chúng tôi cùng ở lại tỉnh lỵ. Thật ra có nhiều cơ hội tốt hơn ở nơi khác. Nhưng tôi không muốn ở quá xa cậu mợ.

Tôi ra làm việc hai năm, bắt đầu tính toán việc kết hôn.

Khi đó, lưng cậu đã cong, tóc mợ cũng không còn mấy sợi đen.

Lương Trình biết thân thế của tôi. Chúng tôi cùng tích cóp 200.000.

Tôi đưa thẻ ngân hàng cho mợ: “Lúc trước con đã nói tiền sính lễ là đưa cậu mợ, ở đây có 200.000 ạ”.

Sau này khi chúng tôi sửa sang nhà, mợ lấy thẻ đó ra: “Tiền trong này mợ không động tới một đồng. Hai đứa cầm sử dụng trước, bây giờ cậu mợ còn tự lo thân được. Đợi sau này không kiếm tiền được nữa, chúng ta lại tìm đến mấy đứa con mà xin.”

Nhà Lương Trình điều kiện tạm được, đám cưới dự kiến tổ chức trong khách sạn ở tỉnh.

Mẹ ruột tôi có lẽ già nên hồ đồ. Bà ấy thực sự chạy tới nói với tôi: “Tao là mẹ ruột mày, đến lúc đó tao với bố mày lên sân khấu, để con rể dâng trà sửa xưng hô!”

Tôi chỉ nói một chữ, “Cút!”

Hôm thực hiện lễ, người chủ trì bảo tôi và Lương Trình kính trà cho cậu mợ.

Lương Trình cung kính gọi: “Ba, mẹ.”

Tôi cũng gọi theo: “Ba, mẹ.”

Cậu mợ…

Không, đây là cơ hội để tôi đổi xưng hô. Từ giờ trở đi, tôi gọi hai người là ba mẹ.

Ba mẹ rưng rưng nước mắt, gật đầu liên tục.

Ba nắm tay Lương Trình: “Ba chỉ có đứa con gái quý giá này, con phải hứa với ba sẽ đối xử tốt với con bé cả đời.”

Mẹ cúi đầu, lấy bao lì xì trong túi ra. Tóc mẹ đã nhuộm nhưng vẫn có thể nhìn thấy vòng trắng nơi chân tóc.

Mẹ đưa bao lì xì rất dày cho Lương Trình.

“Lúc còn nhỏ, Lưu Châu chịu không biết bao nhiêu khổ cực. Nếu con cưới con bé thì đừng để nó chịu khổ nữa, biết không?”

Tôi rơi nước mắt, cùng Lương Trình quỳ lạy hai người cảm tạ ơn dưỡng dục.

Trên đời có ơn sinh, cũng có ơn dưỡng.

Với tôi mà nói, ơn dưỡng dục lớn hơn nhiều so với ơn sinh thành.

Khi còn nhỏ, tôi thường xuyên gặp ác mộng. Tôi mơ thấy mình ở bên trong khu rừng rậm kia, bị những xác ve vây quanh, làm thế nào cũng không trốn thoát được.

Sau đó, ác mộng dần dần bỏ đi.

Bắt đầu từ khi nào?

Có lẽ, là từ lần thứ một trăm cậu mang đồ ăn vặt cho tôi.

Có lẽ, là lúc mợ mắng tôi vô số lần nhưng vẫn để dành lại cơm canh nóng hổi cho tôi.

Là tình yêu của cậu mợ, là tình yêu của các anh đã giúp tôi 4 tuổi đi ra khỏi rừng rậm, có được bầu trời rộng lớn vô tận.

Lời cuối sách.

Trong thời gian tôi học đại học đã phát sinh một số việc.

Chị hai lớn hơn tôi 2 tuổi. Lúc tôi đi học, chị ở ngoài làm công.

Khi làm tiệc mừng tôi thi đậu, chị không về.

Nhưng nghỉ đông năm 1, chị về. Chị tặng tôi một chiếc vòng cổ bạc, mừng tôi đậu đại học.

Tấm lòng của chị, tôi nhận.

Nhưng không đến mấy ngày sau, mẹ ruột tôi tới thăm người thân. Bà nói cái vòng cổ kia là chị hai mua cho bà, sơ ý lại đưa cho tôi.

Vòng cổ bạc thì có giá trị bao nhiêu, thế mà bà lại đến để đòi lại. Hết sức quá đáng.

Tất nhiên tôi trả vòng cổ lại cho bà. Từ đó càng thêm chán ghét bà.

Trong lúc tôi học cao học, mẹ (mợ) đại thọ 60. Tôi làm việc bán thời gian, tiết kiệm tiền mua cho mẹ một chiếc vòng vàng.

Đây là sự khác biệt giữa con trai và con gái. Hai anh thì đưa thẳng tiền, không suy nghĩ kỹ càng.

Mẹ mắng tôi một trận: “Phí tiền làm gì? Cái này đắt quá.”

Ăn cơm trưa xong, mẹ đeo vòng đi khắp làng.

“Lưu Châu nhà tôi, mấy đứa con gái trẻ làm gì cũng không tính toán, ngày nào cũng cực khổ làm thêm chỉ để mua cái vòng đắt tiền này cho tôi. Ngày thường tôi cũng đâu có cơ hội đeo!”

“Bà xem con bé có phí tiền không chứ?”

“Con gái mấy bà có mua vòng vàng cho mấy bà không?”

Mẹ đắc tội với rất nhiều cô bác.

Sau đó mẹ ruột nhìn thấy vòng cổ thì ghen tị không chịu nổi. Nói bóng nói gió bà ta cũng thiếu một cái như vậy.

Tôi cười: “Năm đó không phải chị hai mua cho bà cái vòng bạc sao?”

Nụ cười trên mặt bà không giữ dược nữa, xấu hổ bỏ đi.

Ba anh em chúng tôi đều từ thôn đi ra, ba mẹ ở lại nơi đó.

Ngoài việc lúc cần họ chăm sóc bọn trẻ, họ sẽ ở nhà chúng tôi một thời gian, những lúc khác hai người thích ở lại trong thôn hơn.

Cũng may sau này có wechat, có thể gọi video mỗi ngày.

Ba sử dụng wechat không tốt, nhưng mẹ thì lại rất thành thạo. Mỗi ngày mẹ còn gửi những tin tức kiến thức trong nhóm gia đình.

Ví dụ: cơm tất niên có ba món không nên ăn.

Cha mẹ phải cẩn thận, tránh hành động dẫn đến bi kịch.

Mỗi ngày uống một ngụm, trẻ con không chán ăn.

Con nít khóc không ngừng, có thể là do vật này quấy phá.

Có lần anh hai với tôi cùng đi công tác, vô tình gặp nhau ở Thẩm Dương.

Anh hai gọi video cho mẹ.

Nói chuyện mấy câu, anh hỏi: “Ba đâu ạ?”

Màn hình xoay qua, ba đem xem bản tin thời sự ở xa vẫy vẫy tay với anh. Cho dù ở quê nhưng ông quan tâm chuyện quốc gia đại sự mỗi ngày.

Anh hai nói: “Mẹ, lần này con đi công tác gặp Lưu Châu, tụi con đang ăn tối chung!”

Ba đang ở xa, nhỏ xíu trong màn hình lập tức đứng dậy, gương mặt to đùng của ông nhanh chóng lọt vào ống kính.

“Lưu Châu cũng có đó à? Hai đứa đi công tác ở đâu?”

Ông hỏi không ngừng.

Anh hai ghen tị muốn c.h.ế.t: “Ba, ba nói thật con biết đi, Lưu Châu là con ruột, con mới là con nuôi đúng không?”

Ba sốt ruột: “Con tránh qua một bên đi, choán hết màn hình.”

Anh hai tức điên.

Anh hai cà lơ phất phơ, chuyện cưới xin chẳng thấy tăm hơi.

Mẹ sốt ruột tới nỗi lần nào gọi video cũng giục kết hôn.

Đến năm 30, cuối cùng anh cũng có để ý một người, một đàn chị lớn hơn anh 5 tuổi.

Chị đại siêu mạnh mẽ!

Năng lực công việc cực kỳ ưu tú, thu nhập gấp 3 lần anh hai.

Mẹ không hài lòng: “Lớn tuổi vậy thì khó sinh con. Chưa kể anh hai bây ở trước mặt cô ấy y như chó mặt xệ, mẹ còn không dám sai bảo con trai mình như vậy.”

Anh hai liếc qua mẹ: “Chuyện của con mẹ đừng can thiệp, con theo đuổi nhiều năm mới được, nếu mọi người làm loạn thì đời này con không cưới vợ.”

Lúc kết hôn, anh hai cười toét đến mang tai.

“Thật tốt, răng anh không tốt, đời này định sẵn là ‘ăn cơm mềm’ rồi.” (Chú thích: ăn cơm mềm, đại ý là dựa vào vợ)

Chị dâu cả dịu dàng, chị dâu hai sấm rền gió cuốn.

Sau khi mẹ có tuổi, trong gia đình có chuyện gì đều do chị dâu hai quyết định.

Dần dà mẹ chấp nhận cô con dâu này, thậm chí còn khoe khắp làng.

“Con dâu hai của tôi ăn xài phung phí, mua cho tôi cái bồn ngâm chân gì tới mấy nghìn tệ!”

“Mua cái ghế mát xa mấy chục nghìn, chúng ta làm ruộng, cần gì tới cái này!”

“Dẫn tôi đi mua vòng vàng, lựa cái sợi dây chuyền còn to hơn dây xích chó, đeo lên cổ muốn gãy cổ!”

“Nó biết kiếm tiền nhưng cũng không thể lãng phí như vậy!”

Tôi thường nhắc mẹ, nếu cứ vậy thì có thể không còn ai muốn nói chuyện phiếm với bà.

Bà không bận tâm: “Mấy bà đó đều vậy, con dâu thím Trương mua cho bả cái vòng vàng, bả khoe với mẹ 800 lần.”

Đây là những người cha mẹ bình thường.

Thật ra họ không thiếu thốn những thứ đó, nhưng con cái quan tâm, đối xử tốt với họ, họ sẽ vui vẻ, hạnh phúc. Đây cũng là vốn liếng, là sự tự tin để họ thẳng lưng.

Khác với chị cả, chị hai (ruột) không nghe theo xếp đặt của mẹ.

Chị bỏ đi với bạn trai mình. Hai năm không tin tức. Sau này đến Tết thì ôm con quay về.

Mẹ ruột tôi giận dữ khóc lóc vật vã, mắng chị bất hiếu, mắng chị vô ơn, mắng chị lòng lang dạ sói.

Vậy có thể làm được gì?

Con đã sinh, cũng không còn bán được chị với giá tốt, không thể làm được gì.

Mẹ ruột cũng tìm cách vơ vét của chị hai, nhưng chị hai không để bà thực hiện được. Mối quan hệ giữa hai mẹ con lạnh nhạt.

Thật ra sau này chị hai cũng định cư ở tỉnh lỵ, qua lại với tôi dần nhiều lên.

Ngày sinh nhật 30 tuổi của tôi, chị hai tặng tôi chiếc vòng cổ bằng vàng: “Bù lại cho em.”

Thì ra chị biết chuyện chiếc vòng bạc.

Ngày hôm đó chúng tôi uống không ít rượu, sắc mặt chị hồng hồng, mắt mơ màng nói: “Nói em nghe một việc buồn cười. Từ sau khi em thi đậu đại học, bố mẹ đã nói không biết bao nhiêu lần rằng chị không ngoan ngoãn, không thông minh. Nếu biết trước như vậy đã đem cho chị đi, để em lại.”

Chị hai nói bâng quơ nhẹ nhàng, nhưng tôi có thể tưởng tượng được mỗi lần chị nghe những lời như vậy sẽ thấy khó chịu đến thế nào.

Tôi nắm tay chị: “Nếu em ở lại nhà họ Trương, em sẽ không được vào Nhất trung, càng miễn bàn tới chuyện học đại học, cao học. Chị hai, giờ chị sống tốt, thật ra đã giỏi hơn em rồi.”

Dưới sự tẩy não của bố mẹ như vậy, chị không bị đồng hóa như chị cả, luôn kiên trì với bản thân, thoát khỏi cha mẹ, dựa vào bằng cấp 2 mà có được một mảnh trời đất riêng của mình.

Thật ra, cuộc đời của chị mới đáng giá được ghi lại kỹ càng.

Mẹ ruột đặt kỳ vọng vào Trương Vĩ.

Theo bà, nếu tôi có thể vào đại học thì tất nhiên Trương Vĩ cũng không thành vấn đề.

Dù sao Trương Vĩ là “thái tử”, phải có tinh hoa đất trời hội tụ trong người.

Nhưng Trương Vĩ đến Nhất trung còn không đậu nổi.

Mẹ muốn bỏ tiền vào học nhưng điểm số Trương Vĩ quá tệ nên người ta cũng không nhận.

Sau này cậu ta vào học trường trung cấp nghề thì cũng ăn nhậu chơi bời suốt ngày.

Sau khi tốt nghiệp đi làm thì làm việc kiểu ba ngày đánh cá hai ngày phơi lưới, nói như rồng leo làm như mèo mửa. Một năm thì có hơn nửa năm là thất nghiệp.

Bố mẹ ruột bắt đầu lo lắng. Nhưng có cách nào khác, đây chính là “thái tử nhà họ Trương”, vẫn phải cung phụng.

Khi tôi sinh Kiều Kiều, Trương Vĩ vẫn chưa kết hôn. Mẹ ruột đã mai mối cho cậu ta rất nhiều người nhưng không thành. Có lẽ cậu ta độc thân cả đời.

Ai biết được.

Dù sao cũng chẳng liên quan gì đến tôi.

---Hết---