Chương 4 - Trân Châu Lấp Lánh


13.

Mọi người đều chấn động.

Sắc mặt tôi cũng trắng bệch.

Mọi người vừa an ủi mợ vừa mồm năm miệng mười chỉ trích mẹ ruột tôi.

“Bà là mụ đàn bà vô lương tâm, muốn ép c.h.ế.t chị dâu mình mới vừa lòng phải không?”

“Mười mấy năm qua cô không nuôi nấng Lưu Châu, giờ sao lại muốn nó quay về?”

“Nếu bà thật sự quan tâm con bé thì bao nhiêu năm qua có biết bao cơ hội dẫn Lưu Châu về.”

Mẹ ruột vẫn không cam lòng: “Nó là con đẻ của tôi… tôi quyến luyến…”

“Cứt!” Cậu giận đỏ mặt, “Luyến tiếc nó hay là luyến tiếc tiền sau này nó kiếm được thì trong lòng mày rõ nhất! Nếu sau này mày còn tiếp tục giở trò thì nơi này không còn là nhà mẹ đẻ của mày nữa!”

Sắc mặt mẹ cứng đờ, không dám tin nhìn về cậu. Cậu tốt bụng, lớn hơn mẹ vài tuổi nên luôn bao dung với bà.

Mẹ liếm môi, đặt tia hy vọng cuối cùng lên người tôi: “Bé ba, trước đây là lỗi của mẹ, bây giờ mẹ nhận con về cũng là muốn giảm bớt gánh nặng cho cậu con. Bố mẹ chịu trách nhiệm chi tiền sinh hoạt phí đại học cho con, anh cả con chơi máy tính không kiếm được tiền, anh hai còn thi lên cao học, gánh nặng của cậu mợ rất lớn.”

Tôi cười khẩy: “Vậy tiền học phí thì sao?”

Mẹ ngượng ngập: “Học phí không phải được vay sao?”

Nhìn đi, bà ta tính toán mọi thứ rất rõ ràng.

Một tháng cho mấy trăm sinh hoạt phí là có thể đổi lấy nửa đời sau làm trâu làm ngựa của một sinh viên.

Anh cả cau mày: “Ai nói tôi không kiếm được tiền. Mấy người chờ đó.”

Anh vào phòng ngủ lấy một cái cặp ra, lấy 5 chồng tiền tờ 100 màu đỏ được xếp gọn gàng vứt lên bàn, cực ngầu nói: “Lưu Quang, yên tâm thi lên cao học. Lưu Châu, học phí đại học, chi phí sinh hoạt, anh lo!”

50.000 tệ không phải số tiền nhỏ. (50.000 = 174 triệu VNĐ)

Yên lặng như tờ.

Mẹ nhìn số tiền trên bàn, nuốt nước bọt.

Mợ cầm tiền sờ sờ xem thật hay giả, ngẩn ngơ hỏi: “Mày lấy đâu ra nhiều tiền vậy?”

Anh cả nhún vai: “Con đã nói rồi, con viết tiểu thuyết kiếm tiền.”

Anh cả còn đưa tiền sinh hoạt cho mợ nhưng mợ tưởng anh thùng rỗng kêu to, lấy tiền tiết kiệm từ hồi còn đi làm công ra đưa.

Nước mắt mợ rơi xuống: “Tốt tốt tốt, việc học của em trai em gái không liên quan tới mày. Tiền này mẹ để dành lại cho mày, sau này mua nhà cưới vợ.”

Bà lấy tiền đi cất, tròng mắt mẹ như muốn chạy theo đống tiền.

Mợ đi vào phòng, mẹ cũng theo sau, mặt tươi cười: “Chị dâu, chị dâu, em định xây nhà cho Tiểu Vĩ…”

Mợ dừng chân, lạnh lùng nhìn bà: “Ai là chị dâu cô? Tôi không có đứa em gái không biết xấu hổ như cô. Tiền này là để cho Lưu Tài cưới vợ, đừng hòng ai moi được một xu trong tay tôi!”

Tôi đoán mợ đã cất tiền xong, đẩy cửa bước vào.

Mợ đang vừa chải đầu vừa lau nước mắt.

Tôi đứng ở cửa, vặn tay: “Xin lỗi mợ…”

Tuy thường ngày mợ hay lớn tiếng, tính tình hung dữ nhưng thực tế là một người sĩ diện. Bà chưa bao giờ kể khổ với ai, càng không la lối khóc lóc lăn lộn. Hành động như ban nãy là hạ thấp phẩm giá.

Mợ quay lưng lại, lấy thun buộc tóc, khi quay lại thì đã không còn nước mắt.

Mợ giận dữ mắng tôi: “Đối phó với người như cô của mày thì phải lấy độc trị độc. Mày nói đạo lý với bà ta cũng vô ích! Mợ nuôi mày nhiều năm như vậy, nếu mày mềm lòng mà giúp bà ta nuôi con trai, mợ tát c.h.ế.t mày, biết chưa?”

Tôi không cầm được nước mắt: “Dạ biết.”

“Sao mà khóc, nay ngày vui.” Bà lấy tay áo lau nước mắt cho tôi, lau rồi mắt bà cũng đỏ hoe. “Đừng khóc, sau này nhà họ Tống của mình sẽ có cuộc sống tốt đẹp. Họ sẽ phải ghen tị với chúng ta.”

Bà sờ tóc tôi: “Thi đại học xong rồi, tóc để dài lại đi. Con gái con đứa, để tóc dài sẽ đẹp hơn.”

Mợ khóa cửa lại hai lớp, dẫn tôi quay lại bàn tiệc.

Anh cả đã bị nhóm phụ nữ bao quanh.

“Chơi máy tính kiếm tiền thế nào?”

“Rốt cuộc mỗi tháng kiếm được bao nhiêu?”

“Con trai tôi cũng tốt nghiệp cấp 2, có thể kiếm tiền vậy không?”

“Lưu Tài, bên nhà mẹ cô có đứa cháu gái năm nay 22 tuổi, tốt nghiệp đại học, rất đẹp, để cô giới thiệu cho cháu.”

“Tôi cũng có đứa cháu gái, năm nay 20 tuổi, là giáo viên mầm non, điều kiện tốt lắm.”

Anh cả cao 1.75, nặng hơn 65kg, yếu đuối, bất lực giữa nhóm phụ nữ đang tranh nhau “chào bán” mấy cô cháu gái họ hàng xa đại bác bắn tám ngày không tới.

Anh cả đẩy kính, nói nhỏ: “Thực ra cháu có bạn gái rồi.”

14.

“Cái gì?”

Mợ gầm một tiếng như sấm dậy đất bằng.

Người anh cả quen là một tác giả trên mạng. Một tác giả nghiệp dư, đang là sinh viên năm 4.

Mợ nghi ngờ: “Mày không bị lừa đó chứ, nó muốn mày mua trà phải không?”

Trước đây trong thôn tôi có một anh quen bạn gái qua mạng, chi 50-60.000 mua hơn 100kg trà. Cuối cùng chia tay. Vì vậy trong thôn ai cũng biết, bạn gái bán trà thì không được.

“Không phải, tụi con đã gặp nhau trên video, con còn có ảnh cô ấy.”

Anh lấy trong bóp ra một tấm ảnh thẻ. Cô gái thanh tú, cười có hai má lúm đồng tiền, mắt sáng ngời.

Mấy người phụ nữ tiếc nuối không thôi, tựa như bỏ lỡ cả trăm triệu.

Nhưng mà cách đó không lâu họ còn coi thường anh cả, cảm thấy anh lười biếng ở nhà không kiếm ra tiền.

Thật lâu sau này tôi mới phát hiện có từ thích hợp với anh cả: sợ giao tiếp xã hội.

Nhìn anh lầm lì, ít nói, thật ra là do anh không giỏi, cũng không thích giao tiếp với người khác. Đa phần thời gian anh chìm đắm trong thế giới giả tưởng 2D của mình.

Trong lúc học đại học, vô tình tôi biết được bút danh của anh cả.

Anh là một tác giả văn học đồng quê, có không ít fans. Anh viết về những lương y tài giỏi ở nông thôn, thần số học làng quê linh tinh. Những bài viết của anh khá phổ biến, thảo nào kiếm được tiền.

Tàn tiệc, trước khi đi mẹ vẫn còn giả mù sa mưa: “Bé ba, con đừng hiểu lầm mẹ, mẹ vẫn quan tâm con.”

Bố nghiến răng nghiến lợi: “Dòng thứ vô lương tâm, lúc trước nên dìm c.h.ế.t mày trong thùng phân.”

Tôi cười khẽ: “Tiếc là tôi vẫn sống, còn sống rất tốt, sau này sẽ ngày càng tốt hơn. Hơn nữa, phần tốt này không liên quan gì đến các người.”

Bố tức gần c.h.ế.t.

Chị cả không đồng tình: “Bố mẹ cũng có cái khó của họ, em phải thông cảm, phải hiểu cho họ.”

Tôi hỏi chị ấy: “Chính sách bây giờ cho phép sinh 3 con à?”

Chị thở dài: “Cũng phải sinh đứa con trai, nếu không thì không phải với anh rể và bố mẹ chồng.”

Hai đứa cháu gái tôi mặc quần áo cũ nát, nhút nhát, sợ sệt nhìn tôi. Bé lớn cũng tầm tuổi tôi ngày xưa.

Tôi hỏi chị cả: “Năm tôi 4 tuổi, chị dẫn tôi vào núi nhặt xác ve, sau khi tách nhau ra tôi không về nhà, tại sao chị không đi tìm tôi?”

Chị cả nhếch miệng: “Có chuyện đó sao, chị không nhớ.”

Bạn thấy đấy.

Họ gây nỗi đau khắc cốt ghi tâm, nỗi sợ hãi cả đời không quên được, thế nhưng họ lại bình thản nói một câu: không nhớ.

“Nhưng tôi nhớ rất rõ,” tôi nhẹ nhàng, “Nếu tôi ở lại nhà họ Trương, có lẽ tôi đã c.h.ế.t trên núi năm 4 tuổi, c.h.ế.t khi sốt cao lúc 7 tuổi, c.h.ế.t năm 10 tuổi trong mưa lũ… Nhưng chắc chắn tôi không có khả năng đứng đây với tư cách một sinh viên đại học. Chị cả, đừng lừa mình dối người, họ có yêu đám con gái chúng ta hay không, trong lòng chị thực sự không hiểu sao?”

15.

Có lẽ do chị cả là con gái lớn, đã từng được yêu thương. Nhưng tôi là đứa con gái thứ ba. Thật sự chưa từng được yêu.

Lúc chị cả rời đi, sắc mặt không đẹp cho lắm.

Tuy anh cả nói giúp tiền học phí nhưng tôi vẫn đi vay. Vì vậy anh mua cho tôi một chiếc điện thoại thông minh, xem như phần thưởng.

Trường nằm trong tỉnh lị, đi xe buýt mất hai giờ. Cậu mợ kiên quyết muốn đưa tôi đi.

Anh hai trợn trắng mắt: “Lúc con đi nhập học hai người không ai thèm đưa con, con tự đi một mình.”

Cậu vỗ lên lưng anh: “Con là con trai, đưa gì mà đưa. Em con là con gái, giống con à?”

Thực ra cũng có từ thích hợp với cậu: nô lệ của con gái.

Với hai anh trai, cậu luôn thiếu kiên nhẫn nhưng ông luôn dịu dàng, mềm mỏng với tôi.

Trước khi đi hai ngày, mợ mua thuốc nhuộm tóc về.

“Lưu Châu, mày giúp mợ nhuộm tóc lại. Mày xem tóc bạc mợ nhiều hơn tóc đen rồi.”

Mùi thuốc nhuộm gay mũi.

Khi trộn thuốc, tôi nói khẽ: “Không cần nhuộm đâu, mợ như vậy cũng rất đẹp.”

Mợ cầm gương soi: “Đương nhiên rồi, hồi còn trẻ mợ cũng là đóa hoa trong xóm. Nhưng mấy ngày nữa phải đưa mày tới trường, nhuộm lại chút, không thôi mang nguyên cái đầu bạc già hơn người ta, làm mất mặt mày.”

Sao mà có thể thế chứ.

Mợ.

Mợ là bậc trưởng bối tốt nhất trên đời này.

Là người mẹ đủ tư cách nhất thiên hạ.

Nhuộm xong còn dư một ít thuốc, đúng lúc cậu về.

Cậu sờ sờ đầu: “Đừng lãng phí, nhuộm cho cậu chút luôn đi.”

Anh hai dựa cửa, trợn mắt chua chát: “Hai vợ chồng trang điểm luôn đi…”

Ký túc xá có 6 giường. Mợ chọn cho tôi giường bên trong.

“Gần cửa sổ mùa đông lạnh, gần bên ngoài thì lại hứng gió ngoài cửa vào, nói không chừng nửa đêm còn phải dậy mở cửa cho người ta. Giường chỗ này tốt.”

Cậu đi mua vật dụng hàng ngày cho tôi, mợ trải giường chiếu cho tôi.

Cô bên cạnh nói: “Con gái cô giống bố à, nhìn không giống cô lắm.”

Động tác trải chiếu của mợ khựng lại: “Nó là cháu gái tôi, tôi là mợ, chắc chắn là không giống rồi.”

16.

Cô kia ngẩn ra, có vẻ tò mò tại sao cậu mợ lại đưa đi nhập học nhưng rồi không hỏi tiếp.

Tôi đi qua giúp mợ giữ góc chăn, giọng rõ ràng: “Cháu được cậu mợ nuôi lớn, cậu mợ chính là ba mẹ ruột của cháu.”

Chớp mắt ấy, bàn tay cầm góc chăn của mợ run lên.

Vài giây sau, bà gật đầu mạnh mẽ: “Không sai, Lưu Châu tuy không phải do tôi sinh nhưng là con gái ruột của tôi.”

Anh hai định thi lên cao học nhưng suy xét tình hình trong nhà nên còn do dự. Trước mắt được anh cả cho thấy “thuốc an thần”, anh bắt đầu dốc toàn lực chuẩn bị.

Anh hai vốn thông minh, thời điểm đó kỳ thi cao học không quá khắt khe. Nói một cách tương đối thì tỉ lệ trúng tuyển còn cao hơn thi tuyển sinh đại học.

Anh đã được nhận vào cao học của đại học Chiết Giang, không cần đóng học phí. Anh chọn được một người hướng dẫn giỏi, mỗi tháng thực hiện các dự án, có tiền trợ cấp. Anh tự nuôi được bản thân, còn dư tiền mua quà sinh nhật cho tôi.

Lúc học đại học, cậu đã ngoài 50 lại đi theo người ta học làm thợ điện. Ông học xong, đi làm việc cho một công ty trang trí. Không phải là làm công mà là nhận khoán. Làm một nhà tính tiền một nhà.

Cậu cần mẫn, làm việc tỉ mỉ, một tháng có thể kiếm được chục nghìn tệ.

Mợ theo cậu đi khắp nơi, có khi làm nhân viên kiểm hàng ở siêu thị, có khi làm công trong quán cơm, tóm lại cũng không rảnh rỗi.

Cuộc sống mọi người trong nhà ngày càng tốt.

Cậu muốn đập bỏ ngôi nhà cũ, xây nhà mới.

Anh cả anh hai đề nghị ông mua nhà trong huyện.

“Nhà sau này không ai ở nữa.”

“Không có giá trị gì cần giữ gìn.”

Khi đó, cậu hút thuốc, chậm rãi nói: “Ba mẹ về ở, sau này tụi con về, không phải có chỗ sao? Trong thành phố dù có đẹp đến đâu thì gốc rễ ba mẹ vẫn là ở quê.”

Bây giờ trong thôn nhà đều xây nhà lầu, chỉ có nhà chúng tôi còn là nhà trệt. Mấy năm nay, không biết cậu mợ bị người trong thôn giễu cợt bao nhiêu lần.

Xây một ngôi nhà mới có lẽ không chỉ liên quan đến việc dưỡng già mà còn là tự tin và thể diện của cậu mợ.

Kỳ nghỉ đông năm 2, bạn gái anh cả muốn đến thăm nhà.

Để đón chị, anh cả dẫn tôi đi huyện thành mua sắm. Không ngờ lại gặp bạn gái cũ của anh.

Tính ngày tháng, hai người đã chia tay đúng 3 năm.