Chương 3 - Trân Châu Lấp Lánh


9.

Người trong thôn cũng nói: “Nhà Tống máy tuốt đốt tiền quá.”

“Bây giờ Lưu Tài còn chưa cưới vợ, họ cũng không lo!”

Sao lại không lo.

Mợ lo lắng sốt ruột gần c.h.ế.t.

Bà nghĩ tới nghĩ lui vẫn cảm thấy do điều kiện gia đình quá kém.

Kỳ nghỉ đông năm tôi học lớp 10, cậu đi theo nhà thầu làm việc. Ở công trường dầm mưa dãi nắng, gần như không có ngày nghỉ, rất vất vả nhưng một tháng kiếm được tầm 3000 tệ, nhiều hơn là đi tuốt lúa.

Mợ đi nấu ăn cho công nhân ở công trường. Ngoài tiền lương mợ còn nhặt sắt vụn linh tinh, tính lại cũng thu vào được gần 2000.

Mợ tăng phí sinh hoạt lên cho tôi thành 300: “Anh hai hồi đó chỉ có 250. Chờ mày đi làm thì phải trả lại gấp 5 lần khoản này, biết chưa?”

Dạ biết dạ biết.

Ở chung với mợ nhiều năm, tôi dần hiểu tính bà.

Bà là khẩu xà tâm phật, miệng d-a-o găm tâm đậu hũ.

Nghỉ đông năm tôi học lớp 11, cuối cùng anh cả dẫn bạn gái về nhà.

Mợ mừng đến hỏng người, thu xếp chuyện cưới xin.

Nhưng nhà gái yêu cầu sính lễ 100.000 tệ, còn phải mua một căn nhà trong huyện lỵ. (100.000 tệ = 349 triệu VNĐ)

Điều này vượt xa khả năng của cậu mợ.

Cậu ngồi dưới mái hiên, hút hết một bao Phù Dung. (Một nhãn hiệu thuốc lá của TQ)

Tuyết bay đầy trời.

Tuyết nhẹ như thế nhưng khi rơi xuống vai ông lại nặng tựa vạn quân, đè cong tấm lưng ông.

Mẹ ruột tôi lại có chuyện nói: “Nếu mà nghe tôi, không cho Lưu Châu đi học, để nó lấy chồng thì giờ đã có con dâu.”

Bà lại đưa ý kiến cho anh cả tôi: “Cháu cứ làm con bé kia ễnh bụng lên, có con rồi thì không tốn một đồng nó cũng phải lấy cháu.”

Trong thôn có không ít đàn ông kết hôn như thế.

Người tốt tính như cậu cuối cùng đã nổi giận.

“Cô câm miệng, sau này chuyện nhà tôi cô bớt xen vào.”

Mẹ ruột tôi chửi bới bỏ đi: “Tôi là vì muốn tốt cho mấy người, không biết lòng tốt của người khác.”

Hôn sự đó cuối cùng không thành.

Anh cả chán nản, xin nghỉ việc.

Mợ buồn lắm, tóc bạc đi nhiều: “Nó gần 26 rồi, không lẽ độc thân cả đời sao?”

Sau khi anh cả nghỉ việc, anh lắp cáp mạng, mua một máy tính cũ.

Nước bọt người trong thôn gần chôn vùi gia đình tôi.

Nào là nói cậu mợ bị mỡ heo che mắt, nuôi đứa cháu gái vô dụng như tôi, cuối cùng lại ảnh hưởng đến con trai mình.

Nào là nói anh cả là đồ phế vật, không kiếm tiền, suốt ngày ở lì trong nhà chơi máy tính.

10.

Mợ nhờ người mai mối khắp nơi cho anh cả nhưng làng trên xóm dưới nghe tình hình trong nhà thì đều từ chối.

Mợ lo anh cả nghĩ quẩn, công việc ở công trường mợ cũng không làm nữa.

Ban ngày anh cả ngủ li bì, đến tối lại gõ bàn phím như bay.

Mợ thật sự không nhịn được, khuyên anh: “Con gái rồi sẽ có, con phải tỉnh táo, không thể chơi máy tính cả ngày vậy được.”

“Con không phải chơi máy tính, con đang viết tiểu thuyết kiếm tiền.”

Anh cả nói làm công nhân dây chuyền lắp ráp cả đời không có tương lai, anh phải làm việc gì tốt hơn.

Mợ không tin.

Tôi muốn xem anh cả viết tiểu thuyết gì. Anh không cho: “Cái này không phải để cho em xem.”

Tôi cũng nửa tin nửa ngờ.

Mãi đến sau này tôi mới biết, khi đó mạng internet không kiểm soát chặt chẽ như bây giờ, anh cả viết tiểu thuyết ngoài luồng.

Tiếng pháo trúc vang vọng chào tạm biệt năm cũ, chớp mắt lại qua một năm.

Tôi còn nửa năm nữa là bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học. Lớp 11 phân ban, tôi vào lớp chuyên của ban khoa học tự nhiên.

Vứt bỏ những môn kéo chân, xếp hạng tôi bay cao.

Khi phân ban, tôi xếp hạng 98.

Kỳ thi cuối học kỳ 1 lớp 11, tôi xếp hạng 76.

Kỳ thi cuối kỳ 1 năm 12, tôi xếp hạng 55.

Càng lên cao càng khó.

Giữ vững thứ hạng không tụt lùi về sau đã phải nghiến răng cố gắng, muốn đi về phía trước một bước thì cảm giác như mình phải phá bỏ xiềng xích của vô số dây trói quanh người.

Tôi thường cảm thấy mình không thể tiến lên được nữa.

Trong bữa cơm tất niên, anh hai an ủi tôi: “Phải giữ tâm thế bình tĩnh, em chỉ cần ổn định điểm số này thì thi đậu 985 không thành vấn đề. Thế này đã giỏi rồi, có đôi khi thứ đè bẹp chúng ta không phải là quả cân bên ngoài mà là cọng rơm nặng trĩu trong lòng.”

Tối đó anh cả, người chơi máy tính mỗi ngày khăng khăng lì xì cho tôi 500 tệ.

“Lưu Châu, cầm mua kẹo ăn.”

Thật ra tôi không còn thích ăn kẹo nữa.

Anh cả với tôi cách nhau 8 tuổi, từ nhỏ thời gian ở chung với nhau không nhiều. Có lẽ trong trí nhớ của anh, tôi vẫn là con bé trốn trong góc ăn mấy món đồ ăn vặt cậu mua cho.

Mợ nói với mọi người, anh cả dùng máy tính viết tiểu thuyết có thể kiếm tiền.

Nhưng không ai tin.

“Chưa từng nghe chơi máy tính có thể kiếm tiền.”

“Đúng đó, dù gì cũng tốt nghiệp trung cấp nghề, con tôi tốt nghiệp cấp 2, giờ cũng kiếm được hơn 2000 một tháng.”

“Xem ra Lưu Tài hỏng thật rồi, sợ là sau này thành già ế vợ không ai thèm.”

Mùng 2 Tết, mẹ tôi về thăm nhà bố mẹ đẻ như thường lệ.

Bà lén kéo tôi qua một bên, đưa tôi 100 tệ: “Lì xì cho mày, nhận đi, đừng để cậu mợ biết. Cầm đi mua quần áo đẹp, mua món gì ngon mà ăn.”

Tôi ném trả lại cho bà ta: “Tôi không cần, chưa kể 100 tệ không mua được nhiều đồ như bà nói.”

Mẹ ruột có vẻ xấu hổ.

Sau đó tôi nghe lén bố ruột tôi hỏi bà: “Bà đưa tiền cho cái con phá của đó làm gì?”

Mẹ nói: “Ông thì biết cái gì, nếu như nó thi đậu đại học tốt, bây giờ giữ quan hệ tốt thì sau này nó kiếm tiền sẽ giúp đỡ Tiểu Vĩ.”

Nghe đi. Đây là tiếng người sao?

Mùng 6 tháng Giêng tôi đi học lại. Việc học càng thêm căng thẳng.

Giờ nhìn lại, hơn 100 ngày đó dường như chỉ diễn ra trong chớp mắt.

Nhưng khi bạn ở trong đó, thời gian dường như rất dài.

Những bài kiểm tra vô tận khiến tôi có ảo giác: thi đại học sẽ không bao giờ đến.

Nhưng mà nó vẫn đến.

Mới tháng 6 mà thời tiết lại oi bức lạ thường.

Trên những ngọn cây ngoài phòng thi, ve kêu rền rĩ không ngừng.

Tôi nhớ năm tôi 4 tuổi, chị cả dẫn tôi đi nhặt xác ve. Thứ này có thể làm thuốc, có thể đổi được thành tiền.

Cứ cắm cúi nhặt, chúng tôi tách nhau ra. Bóng tối ập xuống, khu rừng trở nên tối đen.

Tôi vừa khóc vừa mò mẫm tìm đường về nhà.

Sau khi ngã không biết bao nhiêu lần, cuối cùng tôi mới tìm được đường ra khỏi rừng.

Xiêu vẹo đi về thôn, xa xa thấy được nhà mình. Đèn trong nhà chính đang sáng, cha mẹ và hai chị đang ăn cơm. Mọi người ngồi xung quanh bàn, sum vầy, hài hòa.

Giống như tôi… vốn dĩ không hề tồn tại.

Ông trời ngủ gật, cho tôi đến nhầm chỗ, vào nhầm nhà.

Cũng may là khi qua cơn buồn ngủ, ông đã sửa lại sai lầm, đưa tôi về nhà cậu.

Cậu mợ và hai anh mới là gia đình mà số phận đã định cho tôi.

Vì họ, tôi phải thi được thành tích tốt.

Những ngày thi, tôi cảm giác như mình là một hồ đầy nước, ào ào chảy tràn ra ngoài.

Sau bốn buổi thi, nước đã rút cạn. Thân thể trống rỗng, linh hồn dường như cũng lơ lửng trong không trung.

Rỗng tuếch.

Tôi lơ ngơ bước ra khỏi trường khi, nghe một tiếng gọi quen thuộc: “Lưu Châu…”

Tôi ngẩng lên, giữa hàng trăm phụ huynh đang chờ, nhìn qua là thấy ngay mợ.

Mặt trời nghiêng về tây, chiếu lên mái tóc hoa râm của bà. Trán mợ lấm tấm mồ hôi, giơ cao tay vẫy tôi.

Linh hồn tôi đang phiêu đãng chợt dừng lại.

À.

Hóa ra có một sợi dây vô hình giữ tôi lại.

Cho dù chân trời góc biển, cũng có điều vướng bận.

Mợ lái xe máy chở tôi về làng.

Mơ làu bàu: “Mợ với cậu mày vì cho mày đi học mà chịu không biết bao nhiêu lời đàm tiếu. Sau này mày mà không hiếu thảo, thiên lôi đánh, biết chưa?”

Hoàng hôn buông xuống, ánh sáng tỏa muôn nơi.

Tôi ôm eo mợ, chậm rãi áp mặt vào lưng bà, nhẹ nhàng đáp: “Dạ biết.”

Mợ không nói nữa.

Chỉ còn gió mùa hè mang theo mùi bột giặt trên người bà.

Ngày có điểm, cậu xin nghỉ phép về thôn, mợ dậy thật sớm. Từ 5 giờ sáng tới 12 giờ trưa, mợ không ngưng nghỉ một giây phút nào. Miệng cứ lẩm bẩm càu nhàu, một câu nói đi nói lại mười mấy lần.

Cuối cùng đã đến giờ, anh cả mở trang web tra điểm.

Nhập số báo danh, trong mười mấy giây chờ đợi, trong phòng yên tĩnh có thể nghe được tiếng kim rơi.

11.

Ngữ văn 125, Toán 123, Tiếng Anh 139, Khoa học 251.

Tổng số điểm 638.

Năm đó, khối khoa học tự nhiên các trường đại học tuyến 1 lấy điểm là 567.

Kết quả này tương tự như kết quả bình thường của tôi, xem như phát huy ổn định.

Khoảnh khắc đó, mắt mợ đỏ hoe.

“Cái đám đàn bà dốt nát trong thôn, tôi muốn coi con gái nhà ai giỏi giang như cháu tôi.”

Chiều hôm đó, mợ đội mũ rơm đi vòng quanh làng, nhìn thấy ai là thở ngắn than dài: “Lưu Châu thi được 638 điểm, lại phải cho nó đi học đại học, bực bội quá!”

Theo ý kiến của giáo viên chủ nhiệm và anh hai, tôi điền nguyện vọng vào trường 985 sát trường anh hai.

Mợ nhất quyết tổ chức tiệc mừng cho tôi.

Mợ đắc ý: “Mấy người kia có cái rắm cũng mở tiệc rượu, chuyện vui nhà chúng ta lớn thế này sao lại không làm? Đến lúc đó mày phải nói với mọi người, sau này mày sẽ hiếu thảo với cậu mợ, cho đám bà tám khua môi múa mép kia tức c.h.ế.t.”

Tiệc làm 12 bàn.

Mấy thím mấy bà trong thôn đổi sắc mặt, tiếng hâm mộ, ghen tị không ngừng.

“Cháu gái này của bà nuôi không sai, hai vợ chồng bà nuôi ra hai sinh viên, thật sự quá giỏi!”

“Lưu Châu nhìn là biết thông minh rồi, tôi đã nói là con bé thi đậu mà.”

“Chờ hai đứa tốt nghiệp thì cuộc sống hai vợ chồng ông tốt đến thế nào.”

“Cậu mợ là cha mẹ tái sinh của cháu, sau này cháu phải hiếu thảo với họ.”

Không khí rất sôi nổi, mẹ ruột tôi uống mấy ly thì nắm tay tôi. Mắt bà đỏ hoe, mặt tiếc thương.

“Bé ba, con có thể thi đậu đại học, mẹ thực sự vui mừng. Con thông minh giống như mẹ, mẹ đã sớm biết là con sẽ thi đậu.”

Bà vuốt ve tay tôi: “Trước đây vì sinh em trai mẹ bất đắc dĩ phải gửi con cho nhà cậu nuôi. Thật ra mẹ vẫn luôn nhớ thương con, muốn đem con về nhà nhưng sợ ảnh hưởng việc học của con. Con là do mẹ sinh ra, người một nhà chúng ta nên ở bên nhau.

Hôm nay con cảm ơn cậu mợ đã chăm sóc con nhiều năm như vậy, sau này không làm phiền họ nữa, con theo mẹ về nhà.”

Bà túm em trai đang ăn uống thả cửa bên cạnh: “Tiểu Vĩ, mau gọi chị về nhà.”

Trương Vĩ liếc nhìn tôi: “Chả phải đậu Thanh Hoa Bắc Đại, có gì ghê gớm chứ.”

Chị cả dẫn theo hai cô con gái, vác bụng bầu to đến.

“Em ba, họ là cha mẹ ruột của em, người làm con không thể thù dai, sau này chúng ta đoàn viên, là người một nhà.”

12.

Tôi giận đến đầu ong ong lên.

Tôi biết họ không có giới hạn, nhưng không thể nghĩ tới việc họ vô liêm sỉ đến mức độ này.

Buồn cười hơn nữa là còn có người phụ họa.

“Dưỡng cũng là ân, sinh cũng là ân. Cháu là sinh viên, sau này tương lai rộng mở, phải hiếu kính cha mẹ hai bên.”

Mẹ ruột cười nhạt.

“Đương nhiên là phải nhớ lòng tốt của cậu mợ, nhưng nếu mẹ không sinh con ra, con cũng không có ngày hôm nay. Chủ yếu là phải nhớ đến bố mẹ ruột…” Bà ta giơ tay kéo tôi: “Chúng ta mới là người một nhà thật sự.”

Tôi hất tay bà ra.

“Cô, dượng… tôi còn nhớ lúc đem tôi đi cho, hai người nói sau này không còn là bố mẹ tôi. Suốt ngần ấy năm, hai người có từng hỏi qua việc học của tôi không? Hai người chưa từng cho tôi một đồng học phí, chưa mua cho tôi một đôi vớ, một bộ quần áo.

Năm tôi tốt nghiệp cấp 2, cô còn muốn bán tôi đổi lấy tiền sính lễ. Mười mấy năm qua là cậu mợ nuôi tôi, dạy tôi.” Tôi nghẹn lại, “Tôi học trung học 3 năm, mợ không dám mua thêm một bộ đồ mới cho bản thân! Bây giờ tôi thi đậu đại học, tương lai đầy hứa hẹn, các người chạy tới nhận tôi? Các người có ý đồ gì, tưởng tôi không biết sao?”

Tôi cất cao giọng: “Hiện giờ các người đối xử tốt với tôi, chờ tôi tốt nghiệp, đi làm có tiền thì hút máu trên người tôi, để tôi thay các người nuôi con trai đúng không?

Nằm mơ, đừng có mơ mộng hão huyền! Một đồng tôi cũng không cho các người!”

Bố ruột tức tối giơ tay định đánh tôi: “Con khốn nạn này, tao là bố ruột của mày, ai dạy mày nói chuyện với tao kiểu vậy hả?”

Cậu mợ với anh hai bước lên, ngăn ông ta lại.

Anh cả trầm lặng ít nói túm tôi giấu sau lưng.

Mẹ ruột nén vẻ không vui, cười giả lả: “Tiểu Vĩ là em trai ruột của con, con giúp nó cũng là việc nên làm. Năm đó mẹ vì bất đắc dĩ, bây giờ xin lỗi con, được chứ?”

Nói rồi bà ta cong gối định quỳ xuống.

Hôm nay nếu bà ta quỳ xuống đây, thanh danh tôi sẽ bị hủy hoại hoàn toàn. Người trong thôn sẽ dùng đạo đức để quy chụp tôi, bắt tôi về nhận tổ quy tông. Sau này tôi không thể vứt đám người nhà kinh tởm này.

Tôi giận đỏ mắt, muốn dùng d-a-o chém mụ la sát này thành trăm mảnh.

Đúng lúc này, mợ xông lên, vừa túm tóc mẹ vừa quấn lấy thành một nùi.

“Tống Xuân Hoa, mày đừng làm trò này với tao. Tao vì mặt mũi Lưu Châu nên nãy giờ vẫn nhẫn nhịn, nhưng mày thực sự không biết xấu hổ.

Mày tưởng tao với anh mày coi tiền như rác sao, tụi tao trăm cay ngàn đắng nuôi lớn con gái thay mày. Đến khi hái quả ngọt thì mày muốn đưa về nhà? Mày nằm mơ đi!

Lưu Châu sau này tiền sính lễ phải giao hết cho tao, tiền lương kiếm được cũng là của tao. Bà đây nuôi con bé mười mấy năm, đây là thứ tao nên được.

Mày muốn đem con về cũng được, mày đưa một lần đủ 100.000 đây cho tao, tao trả con gái lại cho mày!”

Đám quần chúng hóng hớt lúc này mới kịp phản ứng lại, vội vàng lên kéo hai người ra.

Mợ ngồi dưới đất gào khóc: “Số tôi sao mà khổ thế này? Tôi gả vào nhà họ Tống, mệt sống mệt c.h.ế.t bao nhiêu năm, trước kia mẹ chồng ức hiếp tôi, giờ em chồng bày mưu tính kế với tôi…”

Mợ khóc lóc kể lể những vất vả mấy năm qua vì tôi.

Năm 7 tuổi, tôi sốt cao. Mùa đông, mợ chân trần ôm tôi chạy suốt 5 dặm tìm bác sĩ.

Năm tôi 10 tuổi, trời mưa to, mợ đến trường đón tôi về. Khi về nước dâng cao, mợ cõng tôi suýt nữa bị lũ cuốn trôi. Trên đùi mợ bị cành cây cào bị thương, đến giờ còn sẹo.

Mấy năm tôi học cấp 2, một mình mợ làm lụng hơn mười mẫu đất chỉ để kiếm thêm tiền đóng học phí cho tôi.

Mấy năm tôi học cấp 3, mợ ở công trường, 12 giờ trời trưa đứng bóng, nắng đổ lửa, mợ đội mũ rơm đi nhặt đinh vít, phế liệu…

“Tôi moi tim đào gan ra nuôi cháu gái, giờ nói mang đi thì mang đi. Đời này còn gì quá đáng hơn không, thà để tôi c.h.ế.t đi còn hơn!”